Chỉ Số ROE Trong Phân Tích Tài Chính Doanh Nghiệp

chỉ số roe

ROE là một chỉ số quan trọng được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá mức độ tiềm năng của một mã cổ phiếu. Vậy, ROE là gì? Chỉ số này phản ánh điều gì trong phân tích tài chính doanh nghiệp? Hãy cùng UEZ Markets tìm hiểu ngay tại đây!

1. Chỉ số ROE là gì?

Chỉ số ROE là từ viết tắt của cụm Return of Equity, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Nói một cách đơn giản, thì ROE là chỉ số đo lường khả năng sinh lời của khoản đầu tư trên mỗi một đồng vốn chủ sở hữu.

ROE được xem như thước đo hiệu quả sử dụng vốn của một doanh nghiệp. Để tính ROE, người ta sẽ lấy thu nhập ròng chia cho vốn chủ sở hữu, hoặc lấy tỷ lệ tăng trưởng chia cho tỷ lệ duy trì thu nhập công ty.  

chỉ số roe

Thông qua đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp, đồng thời đo lường mức độ hiệu quả trong việc tạo ra lợi nhuận từ khoản đầu tư cổ phần. Đối với các cổ đông, họ cũng có thể từ ROE mà biết được vốn của mình đang được sử dụng như thế nào, khả năng sinh lời và hiệu quả ra sao. 

Tuy nhiên, cần lưu ý là bạn cần phải nắm rõ kiến thức ngành nghề khi phân tích tài chính từ chỉ số ROE, bởi vì chỉ số này sẽ khác nhau tùy theo từng lĩnh vực hoạt động riêng biệt. 

2. Công thức tính chỉ số ROE

Để tính ROE, bạn sẽ sử dụng công thức sau:

ROE = Thu nhập ròng/Vốn chủ sở hữu trung bình của cổ đông

chỉ số roe

Trong đó:

  • Thu nhập ròng (hay lợi nhuận sau thuế): sẽ được xác định trước khi doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông phổ thông, và sau khi trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi cũng như các khoản lãi vay. Thu nhập ròng sẽ được trích ra từ báo cáo thu nhập của doanh nghiệp. Nếu thu nhập ròng và vốn chủ sở hữu đều là số dương, bạn có thể áp dụng công thức và tính được ROE cho bất cứ doanh nghiệp nào mình muốn.
  • Vốn chủ sở hữu bình quân của cổ đông: Được tính bằng cách cộng vốn chủ sở hữu ở đầu kỳ kế toán. Trong đó, đầu kỳ và cuối kỳ phải trùng khớp với thời gian mà công ty có thu nhập ròng và dữ liệu này sẽ được lấy từ bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, bạn cũng có thể hiểu đây là phần chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả của một doanh nghiệp. 
Đọc thêm:   Mô Hình Dupont Là Gì? Công Thức Tính Phương Trình Dupont

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng công thức khác để xác định ROE:

ROE = Tỷ lệ tăng trưởng bền vững/Tỷ lệ duy trì

Trong đó: Tỷ lệ duy trì = 1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông. 

Lưu ý:

Với công thức tính ROE trên, ROE sẽ được biểu thị bằng phần trăm và chỉ có thể tính cho các doanh nghiệp có thu nhập ròng lẫn vốn chủ sở hữu là số dương. Có thể nói rằng, cách tính ROE dựa trên số vốn chủ sở hữu bình quân trong một thời gian nhất định chính là phương pháp hay nhất giúp hạn chế sự không khớp giữa bảng cân đối kế toán với báo cáo thu nhập của công ty.

Đặc biệt, công thức này sẽ đem lại cái nhìn chính xác nhất khi bạn so sánh các công ty cùng ngành. Thông qua đó, bạn sẽ xác định được doanh nghiệp nào đang có hiệu quả tài chính cao hơn và cũng là cách để bạn đánh giá công ty này có tài sản chủ yếu là vô hình hay hữu hình.

3. Chỉ số ROE ý nghĩa là gì? Như thế nào là tốt?

Vậy, chỉ số ROE có ý nghĩa gì? Như thế nào mới là tốt? Hãy cùng tham khảo chi tiết tại đây:

3.1 Ý nghĩa của chỉ số ROE

Chỉ số ROE được xem là chỉ số tài chính quan trọng, được các nhà đầu tư quan tâm khi lựa chọn “rót vốn” vào một doanh nghiệp nào đó. Lý do là vì chỉ số này thể hiện những điều sau:

chỉ số roe
  • Chỉ số ROE giúp các cổ đông biết được họ có nhận được khoản lợi nhuận hậu hĩnh khi góp vốn vào công ty bằng cách mua cổ phiếu của doanh nghiệp hay không?
  • Doanh nghiệp cần tạo ra ROE cao hơn lợi tức để thu hút nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông, nhất là với những khoản đầu tư có rủi ro thấp hơn.
  • ROE thường được so sánh với chỉ số ROE trung bình ngành để nhà đầu tư có thể nhận biết khả năng sinh lời cũng như hiệu quả trong hoạt động đầu tư, kinh doanh từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
  • ROE được hình thành bởi phép chia lợi nhuận sau thuế (thu nhập ròng) trên vốn chủ sở hữu. Như vậy, ROE sẽ càng lớn khi thu nhập càng cao, và điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận nhận được trên mỗi cổ phần sẽ hấp dẫn hơn.
  • Khi so sánh ROE doanh nghiệp với ROE toàn ngành, nhà đầu tư sẽ xác định được lợi thế cạnh tranh vì chỉ số này thể hiện việc ban lãnh đạo của công ty đang sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu như thế nào.
  • Nếu chỉ số ROE tăng trưởng một cách bền vững theo thời gian, thì điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn của cổ đông một cách hiệu quả. Họ biết cách tạo giá trị cho cổ đông, tái đầu tư thu nhập, tăng năng suất hoạt động và tạo nên lợi nhuận. 
  • Ngược lại, nếu bạn theo dõi thấy ROE đang giảm, thì tức là những hoạt động đầu tư, kinh doanh từ vốn chủ sở hữu đang không khả thi, kém hiệu quả.
Đọc thêm:   Thị Trường Tài Chính Là Gì? Chức Năng Và Vai Trò

Như vậy, ROE là một trong những chỉ số quan trọng làm cơ sở để nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và khả năng sinh lời từ nguồn vốn mình góp vào. Từ đó, họ có thể so sánh và lựa chọn mã cổ phiếu có tiềm năng nhất để đầu tư sinh lợi.

3.2 Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?

Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi vì không phải lúc nào ROE cao cũng là tốt, và ROE thấp sẽ phản ánh cho hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp.

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần xác định lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà bạn định đầu tư. Trên thị trường có rất nhiều ngành nghề, và mỗi ngành nghề lại tương ứng với một mức ROE riêng. 

Sẽ thật vô nghĩa khi bạn so sánh ROE của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán với ROE trung bình của ngành xuất nhập khẩu. Và kết quả so sánh cũng chẳng phản ánh được điều gì khi bạn đánh giá một công ty nào đó. 

chỉ số roe

Vậy nên, nguyên tắc chung sẽ là, bạn cần đối chiếu ROE doanh nghiệp với ROE trung bình ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Khi đó, hãy tập trung vào những doanh nghiệp có ROE cao hơn hoặc bằng với ROE trung bình của ngành. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn còn coi ROE đạt gần mức trung bình dài hạn của S&P 500. Khi đó, tỷ lệ có thể chấp nhận được là 14%, còn thấp hơn 10% thì là một tỷ lệ khá kém. Ngoài ra, bạn cũng nên đánh giá chỉ số ROE trong một khoảng thời gian dài ít nhất 3 năm để có cái nhìn tổng quan nhất về tình hình tăng trưởng của công ty. 

Ví dụ: ROE ngành là 16%, còn ROE của công ty A luôn duy trì ổn định ở mức 19% trong vòng 4 năm liên tục thì có thể kết luận rằng công ty này đã sử dụng hiệu quả tài sản để tạo nên khoản lợi nhuận cao hơn mức trung bình.

3.3 Cẩn thận khi chỉ số ROE quá cao

Thông thường, nhà đầu tư sẽ ưu tiên các công ty có chỉ số ROE cao hoặc trung bình thay vì một công ty có chỉ số ROE thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp ROE quá cao, thậm chí cao hơn trung bình các nhóm ngang hàng thì lại chưa chắc đã là dấu hiệu tốt.

Đọc thêm:   Kinh Nghiệm Đầu Tư Quỹ Mở Thế Nào Hiệu Quả Và Sinh Lời

Bạn chỉ nên đầu tư vào công ty có ROE cao khi thu nhập ròng của công y đó lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu. Còn trường hợp vốn chủ sở hữu rất nhỏ, thì bạn có thể sẽ đối diện với nhiều rủi ro đấy. 

Chúng ta sẽ lý giải rõ hơn về điều này. Vốn chủ sở hữu nhỏ có thể xuất phát từ việc công ty bị thua lỗ trong một thời gian dài, và bạn sẽ thấy khoản lỗ này trong mục vốn chủ sở hữu dạng lỗ giữ lại của bảng cân đối kế toán. Theo thời gian, khoản lỗ này sẽ khiến vốn chủ sở hữu của công ty bị giảm đi. Sau đó, công ty làm ăn trở lại và ghi nhận lãi, thì kết quả ROE sẽ rất cao vì mẫu số thấp. Lúc này, chỉ số ROE cao cũng không thể hiện được công ty sử dụng vốn hiệu quả.

Ngoài ra, một số công ty có dư nợ quá nhiều cũng làm giảm vốn chủ sở hữu và khiến cho ROE cao bất thường. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên quá lạm dụng vào chỉ số ROE, vì chỉ số này có thể bị sai lệch do một số yếu tố kể trên. Đồng thời, bạn cũng nên kết hợp với các chỉ số quan trọng khác một cách kỹ lưỡng để đưa ra đánh giá chính xác nhất trước khi quyết định đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó.

Bên trên là những thông tin cơ bản nhất về chỉ số ROE trong phân tích tài chính. Không thể phủ nhận rằng, ROE sẽ giúp nhà đầu tư đo lường khả năng sinh lời của khoản đầu tư trên mỗi một đồng vốn chủ sở hữu, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo và không nên quá phụ thuộc vào ROE để tránh dẫn đến sai sót không đáng có.

Robert Phạm Vinh
Theo dõi tôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *